Bệnh cúm đang bùng phát như thế nào? Cách phòng ngừa bệnh cúm

avatar
(0)
Bệnh cúm đang bùng phát tại Nhật Bản, đồng thời cũng đang gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và cả nhiều quốc gia ở châu Á. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã đưa ra các thông tin, khuyến cáo về bệnh cúm.

Bệnh cúm mùa đang bùng phát như thế nào?

Mới đây, đồng loạt các cơ quan truyền thông đưa tin minh tinh Đài Loan Từ Hy Viên qua đời sau khi mắc cúm. Cô qua đời ở tuổi 49, sau khi bị mắc cúm và viêm phổi khi cùng gia đình đi du lịch ở Nhật Bản.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đợt bùng phát dịch cúm mùa đang diễn ra tại Nhật Bản chủ yếu do cúm A gây ra, thời tiết thuận lợi đang là tác nhân “giúp” bệnh cúm mùa lây lan qua đường hô hấp.

Theo dữ liệu công bố ngày 31.1 của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2.9.2024 - 26.1 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Riêng tuần cuối cùng của năm 2024 (từ ngày 23 - 29.12.2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.

Những nơi bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản là Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka. Lí do là các khu vực này đông dân cư, có nhiều điểm du lịch, tập trung đông người. 

benh-cum-dang-bung-phat-nhu-the-nao-cach-phong-ngua-benh-cum-1-1738823832.jpg
Minh tinh Từ Hy Viên qua đời ở tuổi 49 vì bị cúm mùa và phổi. Ảnh: Next Apple

Không riêng gì Nhật Bản, mà cúm mùa cũng đang có dấu hiệu gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi cúm mùa tại Nhật Bản chủ yếu do cúm A gây ra (và có nguy cơ bùng phát dịch do cúm B) thì ở nhiều quốc gia ở châu Âu xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm; ở Bắc Mỹ chủ yếu là cúm A; ở Trung Mỹ và Caribbean chủ yếu là cúm A/H3N2; ở Đông Phi chủ yếu là cúm B; và nhiều quốc gia ở châu Á chủ yếu là cúm A/H1N1 pdm09... 

Theo WHO thông tin hôm 7.1, tại nhiều quốc gia ở bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm. Nguyên nhân do các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.

WHO cũng thông tin, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở một số quốc gia ở bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.

Nhiều bệnh nhân tại Việt Nam bị biết chứng nặng do cúm mùa

Cúm mùa cũng đang có dấu hiệu gia tăng tại Việt Nam. Nhiều tờ báo đưa tin các bệnh viện tiếp nhận các trường hợp mắc cúm mùa trong tình trạng nặng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Như mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã liên tiếp nhận bệnh nhân L.V.T, 58 tuổi (Tuyên Quang) bị tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn, có tiền sử hút thuốc hàng chục năm. Khoảng ba tuần trước khi nhập viện, ông T. xuất hiện các triệu chứng ho, sốt và khó thở nên tự điều trị tại nhà trong suốt một tuần nhưng tình trạng không cải thiện.

Theo Báo Tiền Phòng, Kết quả xét nghiệm tại cơ sở y tế cho thấy ông T. mắc cúm A. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng khó thở trầm trọng, suy hô hấp nặng và phải đặt ống nội khí quản. Sau bốn ngày bệnh nhân hết sốt. Nhưng ba ngày gần đây, sốt cao đã tái phát, xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, khiến bệnh diễn tiến nhanh chóng và sốc nhiễm trùng.

Tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bác sĩ chỉ định đặt ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) mới giúp các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân T. tạm thời ổn định nhưng tình trạng sốc và nhiễm trùng nặng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.

benh-cum-dang-bung-phat-nhu-the-nao-cach-phong-ngua-benh-cum-3-1738823771.jpg
Bệnh nhân cấp cứu vì cúm. Ảnh: Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Một trường hợp khác là ông T.V., 62 tuổi (Quảng Ninh) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 7 năm nhưng việc kiểm soát bệnh lý không tốt. Bệnh nhân ít đi khám định kỳ, không theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên. Chỉ trong một năm qua, bệnh nhân đã phải nhập viện khoảng 5 lần do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trước khi nhập viện khoảng 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở tăng dần. Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế 2 ngày, nhưng tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng hơn, buộc phải đặt ống nội khí quản. Sau khi có kết quả xét nghiệm cúm A dương tính, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Cách phòng ngừa bệnh cúm mùa

Theo các bác sĩ, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính, do đó, người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần đi khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để điều chỉnh thuốc phù hợp.

“Những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.

Với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng”, Báo Tiền Phong dẫn lời Th.s bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).

benh-cum-dang-bung-phat-nhu-the-nao-cach-phong-ngua-benh-cum-4-1738824033.jpeg
 

Trước diễn biến của bệnh cúm mùa, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã có khuyến cáo để phòng ngừa dịch bệnh cúm mùa:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắc hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

- Thường xuyên rừa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là sau khi ho, hắt hơi.

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.

- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Cục Y tế dự phòng lưu ý: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.