Đây là một nét đẹp truyền thống của người dân Lý Sơn mỗi dịp tết đến xuân về. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên đảo Lý Sơn xuất phát từ Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, một nghi lễ nhằm tri ân ân đức của đội Hùng binh Hoàng Sa đã có công lớn trong xác lập chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Ngoài ra, lễ hội đua thuyền còn là một hoạt đồng văn hóa tín ngưỡng của người dân Lý Sơn nhằm cầu mong năm mới nhiều an yên, sức khỏe dồi dào; ngư dân thì đi biển được, nông dân thì thành công với cây hành, cây tỏi.

Trươc đây, đảo Lý Sơn có 3 xã, nhưng lễ hội đua thuyền chỉ diễn ra ở xã An Vĩnh và An Hải từ ngày mồng 4-7 tết. Mỗi xã đều có 4 thuyền Long - Lân - Quy - Phụng, đại diện cho mỗi xóm trong xã đó. Sau khi bỏ chính quyền cấp xã, người ta hay dùng “vùng An Vĩnh” hay “vùng An Hải” nhằm ý nói “xã An Vĩnh” hay “xã An Hải”.

Đến ngày mồng 8 tết, 8 đội thuyền của cả 2 vùng sẽ tập trung tại vùng biển trung tâm huyện để cùng nhau tranh tài.
Các đội thuyền sẽ phải trải qua hai vòng thi đấu. Sau vòng thi đấu đầu tiên, 4 đội có thành tích tốt nhất sẽ bước vào lượt đua tranh ngôi vô địch.








